Khái niệm Sắc phong

Sách phong là một hình thức chính thức mà chế độ quân chủ, nhân danh Thiên tử, dùng để tỏ ân uy dành cho bề tôi, hậu phi cùng thần linh. Đây là một loại hình thức không chỉ để tôn vinh người được nhận, mà còn là hình thức mà các vị Vua biểu thị thể diện của chính mình, khi có thể ban cho thần tử vinh dự đặc thù mà không phải lúc nào cũng có được. Từ thời nhà Chu, khi phân phong chức vị và tước vị cho chư hầu, các Chu Thiên tử đều dùng mệnh lệnh bằng những thẻ tre, ấy là 「Sách mệnh; 册命」.

Sau khi trải qua các triều đại, từ nhà Hán, nhà Đường đến nhà Thanh, khái niệm mới sinh ra từ khái niệm cũ, khiến cho các loại mệnh lệnh của Đế vương cũng rất phức tạp. Đại khái có thêm 「Cáo; 誥」 và 「Sắc; 敕」. Thật ra, tuy Việt Nam hay dùng khái niệm ["Sắc phong"], song về hình thức và ý nghĩa thực sự thì hai chữ này không bao hàm chính xác.

Đối với hình thức tuyên phong của Đế vương thì:

  • Cách dùng chữ 「"Sách"; 册」 là phổ biến nhất đồng thời cũng là cao nhất, bởi vì tờ tuyên phong tước hiệu được thể hiện bằng một quyển sách khoảng 2-3 tờ được làm bằng kim loại, quý nhất là ngọc, mà thấp nhất là bằng lụa, cá biệt thời Hán còn dùng tre[1]. Bên trong cuốn sách là lời của Đế vương khen thưởng, mở đầu bằng những lời triết lý kinh điển cổ học, sau lại nêu lý do gia phong tước hiệu và lời ủy lạo của Đế vương dành cho người nhận tước hiệu. Ban đầu loại "Sách mệnh" này là hình thức chung mà Đế vương ban tặng tước hiệu cho bề dưới, nhưng qua sự phát triển của các triều đại, lề lối ngày càng chăm chút tên gọi các sắc chỉ này, những nhân vật quan trọng như Tể tướng, Tam công, Tam sư, Hoàng hậu, Phi tần, Hoàng thái tử, Hoàng tửCông chúa mới là những người được nhận Sách[2].
  • Sau đó là 「"Sắc"; 敕」, bên cạnh đó cũng có 「"Cáo"; 誥」, đây đều là dùng những tờ văn bản tương tự chiếu chỉ để tiến hành gia phong tước hiệu, được cuốn vào trong một cái gọi là "Trục" (轴). Giữa hai chữ này không có ranh giới rõ ràng, đa phần là tùy vào đối tượng mà được quy định cách gọi khác nhau. Vì chỉ là tờ Sắc / Cáo, chất liệu của loại hình thức này cao nhất là lụa, bình thường nhất là giấy, ngoài ra phần trục cũng tùy theo địa vị mà có thể có chất liệu khác nhau. Cả hai loại này có điểm chung là không có hình thức quyển sách để truyền dụ của Đế vương ban tước cho người nhận, do vậy hình thức này đa phần là tặng người đã khuất. Từ đời nhà Tống, Đế vương đều dùng hai hình thức này để phong tặng tước hiệu cho quan viên và cha mẹ cùng vợ của họ, đây như một tấm bằng chứng nhận địa vị của họ trong thời đại xã hội khi ấy, hình thức này được gọi là 「Cáo mệnh; 誥命」 cùng 「Sắc mệnh; 敕命」.